Làm cách nào để có thể hiểu được hành vi của con người và các tương tác xã hội là một câu hỏi thường trực của các nhà khoa học xã hội. Tuy nhiên, ít người biết rằng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, cụ thể là vật lý học, các nhà nghiên cứu cũng tìm cách trả lời câu hỏi trên thông qua các phương pháp vật lý. Đây cũng là nội dung của buổi seminar với chủ đề “Tổng quan vật lý xã hội” do Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ tổ chức vào sáng ngày 29 tháng 12 năm 2023.
Giới thiệu về khái niệm vật lý xã hội, diễn giả của buổi tọa đàm PGS.TS. Võ Văn Ớn cho biết: Vật lý xã hội là một lĩnh vực liên ngành nhằm tìm hiểu hành vi của con người và các tương tác xã hội bằng cách sử dụng các phương pháp vật lý dựa trên dữ liệu và các mô hình tính toán. Khái niệm này bắt đầu với nhà triết học người Anh Thomas Hobbes, người đã phác thảo ý tưởng thể hiện “hiện tượng vật lý” của xã hội theo định luật chuyển động. Sau đó, nhà tư tưởng xã hội người Pháp Henri de Saint-Simon đưa ra ý tưởng mô tả xã hội bằng các quy luật tương tự như các quy luật của khoa học vật lý và sinh học. Trong bối cảnh hiện đại, vật lý xã hội được định nghĩa là khoa học về các hiện tượng xã hội tuân theo các quy luật tự nhiên bất biến. Lĩnh vực này liên quan đến nghiên cứu định lượng về xã hội loài người, thường sử dụng các phương pháp chủ yếu như: thống kê xã hội, các công cụ toán học lấy cảm hứng từ vật lý, dữ liệu lớn để hiểu hành vi của đám đông con người và phân tích các hiện tượng xã hội.
Nghiên cứu về vật lý xã hội có thể sử dụng nhiều phương pháp vật lý khác nhau như: thống kê cơ học, lý thuyết mạng, mô phỏng máy tính, phân tích dữ liệu, phương pháp thí nghiệm và nhiệt động lực học thông qua các nguồn dữ liệu được thu thập từ: nền tảng truyền thông xã hội, điện thoại di động, các bộ cảm biến, cộng đồng trực tuyến và dữ liệu của chính phủ, thể chế. Ngày nay, ứng dụng thực tế của vật lý xã hội được tìm thấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: xây dựng chính sách, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị, y tế cộng đồng, kinh tế xã hội, tội phạm học, di dân cơ học, marketing, nắm bắt ý chí và hành vi đám đông.
Sử dụng phương pháp vật lý xã hội trong các nghiên cứu khoa học có thể gặp phải những thách thức như: quản lý khối lượng dữ liệu lớn, bảo vệ dữ liệu, đảm bảo chất lượng dữ liệu, xử lý dữ liệu không đồng nhất, xử lý dữ liệu thời gian thực, bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ người tham gia, tuân thủ pháp luật và tránh gian lận về mặt khoa học.
PGS.TS. Đinh Thanh Sang phát biểu khai mạc tọa đàm
PGS.TS. Võ Văn Ớn chia sẻ nội dung về vật lý xã hội
Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của cán bộ, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một
Tin và ảnh: Quang Huy