Ngày 25/2/2020, Hội đồng khoa học trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức buổi họp nghiệm thu tài liệu giảng dạy thuộc chuyên ngành Lịch sử Việt Nam với nhan đề “Miền Đông Nam bộ - Lịch sử và văn hóa, Tập III” do PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp làm chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS Nguyễn Ngọc Dung làm Chủ tịch, TS.Trần Hạnh Minh Phương – Ủy viên phản biện 1, TS. Nguyễn Thu Vân - Ủy viên phản biện 2, và các thành viên hội đồng. Bộ sách “Miền Đông Nam bộ - Lịch sử và văn hóa” là một trong nhiều công trình thuộc đề án nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam. Đề án gồm 10 chương trình nghiên cứu (kinh tế, xã hội, giáo dục đào tạo, lịch sử - văn hóa, môi trường, đô thị hóa, biển đảo, biên giới, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế). Đối với chương trình nghiên cứu lịch sử - văn hóa, trường ĐH Thủ Dầu Một chủ trương biên tập, xuất bản bộ sách “Miền Đông Nam bộ - Lịch sử và văn hóa” gồm nhiều tập, mỗi tập được biên soạn với các chuyên đề khoa học thuộc một số lĩnh vực lịch sử, văn hóa của vùng đất Nam bộ từ khởi thủy đến nay.
Tại hội đồng nghiệm thu, thay mặt nhóm tác giả, PGS.TS Hồ Sơn Đài đã trình bày khái quát về mục tiêu nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, kết quả đạt được của công trình biên soạn “Miền Đông Nam bộ - Lịch sử và văn hóa, Tập III”. Đây là công trình sách tập hợp các chuyên đề của nhiều tác giả viết về lịch sử, văn hóa của khu vực miền Đông Nam kỳ dưới thời Pháp thuộc. Nội dung sách xoay quanh các vấn đề về quá trình khai thác thuộc địa, hoạt động lưu trữ, xây dựng đô thị, quản lý và khai thác biển đảo của chính quyền thuộc địa Pháp, hoạt động kháng Pháp của nhân dân Đông Nam bộ... Các chuyên đề được viết độc lập, đi vào từng chủ đề riêng, nhưng khi được tập hợp lại, đã làm nên một bức tranh vừa tổng quan vừa chuyên sâu về lịch sử - văn hóa của miền Đông Nam bộ ở giai đoạn 1945 – 1954.
Đánh giá kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu thống nhất cho rằng, cuốn sách tham khảo là những công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có giá trị phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu về lịch sử - văn hóa của miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, kết quả từ các công trình nghiên cứu được biên soạn thành sách đã góp phần đáp ứng nhu cầu tra cứu, giảng dạy, học tập của cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên về lịch sử vùng đất Đông Nam Bộ, địa phương Bình Dương… Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên hội đồng cũng đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, gợi mở các thông tin, kiến thức khoa học lịch sử giá trị giúp nhóm tác giả bổ sung, hoàn thiện công tác biên soạn, nhanh chóng xuất bản để phục vụ bạn đọc.
Kết thúc buổi nghiệm thu, các thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua tập sách “Miền Đông Nam bộ - Lịch sử và văn hóa, Tập III”.
Nội dung nghiên cứu của tập sách được triển khai với 10 chuyên đề, gồm: Chuyên đề 1: Diễn tiến và hệ quả của chính sách khai thác thuộc địa ở miền Đông Nam kỳ dưới thời Pháp thuộc; Chuyên đề 2: Hoạt động quản lý và khai thác biển đảo ở miền Đông Nam bộ; Chuyên đề 3: Đông Nam bộ thời Pháp thuộc nhìn từ những chuyển biến kinh tế xã hội của xứ Lái Thiêu tỉnh Thủ Dầu Một; Chuyên đề 4: Đô thị tỉnh Thủ Dầu Một thời kỳ trước năm 1954; Chuyên đề 5: Hoạt động lưu trữ của chính quyền thực dân Pháp ở miền Đông Nam kỳ trước năm 1954; Chuyên đề 6: Đảng bộ miền Đông Nam bộ trong hai năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1946); Chuyên đề 7: Lực lượng vũ trang giáo phái ở Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954); Chuyên đề 8: Vai trò của căn cứ địa Bời Lời trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Chuyên đề 9: Quá trình hình thành các khu vực cư trú và đặc điểm văn hóa của cộng đồng người Chăm ở Đông Nam bộ; Chuyên đề 10: Lễ hội Dinh Cô - Long Hải. |
Thay mặt nhóm tác giả, PGS.TS Hồ Sơn Đài đã trình bày khái quát về mục tiêu nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, kết quả đạt được của công trình
Đánh giá kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu thống nhất cho rằng, cuốn sách tham khảo là những công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có giá trị phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu về lịch sử - văn hóa của miền Đông Nam Bộ