Sáng ngày 28/04/2021, tại trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một diễn ra hội thảo khoa học quốc gia “Mỹ thuật Đông Nam Bộ - Phát triển và hội nhập”. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động của tỉnh Bình Dương kỷ niệm 120 năm thành lập trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hoá Bình Dương.
Hội thảo “Mỹ thuật Đông Nam Bộ - Phát triển và hội nhập” do trường ĐH Thủ Dầu Một phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam, trường ĐH Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh và trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương tổ chức. Tham dự hội thảo có gần 300 đại biểu là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đến từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy Tp.HCM, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Dương, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Hiệp hội Quảng cáo Tp.HCM,… Cùng lãnh đạo ba đơn vị tổ chức, các cán bộ giảng viên, sinh viên khối ngành kiến trúc, mỹ thuật.
Ban tổ chức đã nhận được trên 50 bài viết khoa học chất lượng đề cập đến các nội dung về truyền thống, quá trình hội nhập và phát triển của mỹ thuật Đông Nam Bộ. Trong đó, các bài viết nghiên cứu sâu những nét đặc trưng trong nghệ thuật sáng tác tranh sơn mài Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; nghệ thuật điêu khắc tượng đài, tranh hoành tráng tại Bình Dương; nghệ thuật chạm khắc trang trí các công trình kiến trúc cổ truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai; nghệ thuật gốm Biên Hòa; nghệ thuật trang trí dân tộc Xtiêng Bình Phước; nghệ thuật gốm Bình Dương và tranh kính Lái Thiêu. Bên cạnh đó, nhiều bài viết trình bày quá trình giao thoa, tiếp biến của đời sống mỹ thuật ở Đông Nam Bộ và những vấn đề đặt ra về việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Một nội dung lớn khác được các tác giả khai thác là về lịch sử ra đời và hoạt động của Trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một, Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, Trường Vẽ Gia Định… Các tham luận, các bài nghiên cứu tham gia hội thảo sẽ được xuất bản thành sách để phục vụ bạn đọc.
Tại hội thảo, 5 tham luận được chọn trình bày về Khái quát sự ra đời và những đóng góp trong đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội của Trường Mỹ nghệ ứng dụng đầu tiên ở Đông Nam Bộ (ThS. Lê Quang Lợi, Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương); Đặc điểm nghệ thuật gốm Biên Hòa (TS. Đoàn Minh Ngọc, trường ĐH Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh; Vấn đề xây dựng thương hiệu đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở khu vực Đông Nam Bộ hiện nay (PGS.TS. Cung Dương Hằng, trường ĐH Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh); Mối liên hệ giữa đào tạo mỹ thuật ứng dụng với doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay (TS. Nguyễn Đức Sơn, trường ĐH Thủ Dầu Một); Sự kế thừa và phát triển nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương (ThS Nguyễn Văn Quý, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương).
Đặc biệt, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc khi trao đổi về đặc trưng hội họa sơn mài Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương; giải pháp khôi phục và phát triển làng nghề sơn mài Bình Dương, đặc biệt là sơn mài Tương Bình Hiệp; hiến kế phát triển làng nghề sơn mài cũng như gốm sứ kết hợp với du lịch và xây dựng biểu tượng du lịch bằng chất liệu sơn mài; đề xuất tổ chức triển lãm ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên phạm vi cả nước cho các làng nghề như sơn mài, gỗ mỹ nghệ, đồng, tre… “Chúng tôi nghĩ rằng, đây là một số giải pháp đáng tin cậy và hiệu quả trong việc bảo tồn và duy trì làng nghề truyền thống hiện nay” - Ông Phạm Văn Ngàn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương phát biểu tổng kết hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một: Thủ Dầu Một được lựa chọn để mở trường mỹ thuật bởi nơi đây không chỉ trù phú về nguyên liệu, có nghề thủ công mỹ nghệ phát triển lâu đời mà còn là nơi tập trung đông đảo những người thợ mỹ nghệ lành nghề, giỏi nhất Nam Bộ (có thể nói là cả nước) thời ấy. Trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một ra đời như một mối nhân duyên kích hoạt nghề thủ công mỹ nghệ ở Thủ Dầu Một phát triển mạnh mẽ; nhân lực tham gia vào học hành, sản xuất ngày càng đông; các làng nghề truyền thống có cơ hội tiếp cận những kỹ nghệ tinh hoa trong và ngoài nước, sản phẩm mỹ nghệ vươn xa khắp thế giới, được giới tư bản Pháp chọn trưng bày trong các cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ của Đông Dương tại Pa-ri, Mácxây… PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh: Tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận về các cụm chủ đề hội thảo không chỉ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên các nhà trường cũng như đội ngũ các nghệ sĩ và nhà quản lý, mà còn để tìm về dấu ấn mỹ thuật của vùng đất miền Đông xưa, nền tảng của Đông Nam Bộ đương đại; khẳng định những giá trị bất biến, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về việc giữ gìn và phát huy các giá trị mỹ thuật truyền thống trong dòng chảy giao lưu, hội nhập và phát triển. |
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một phát biểu chào mừng
PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn
ThS. Lê Quang Lợi - Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương trình bày tham luận đầu tiên "Khái quát sự ra đời và những đóng góp trong đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội của Trường Mỹ nghệ ứng dụng đầu tiên ở Đông Nam Bộ"
Với ý nghĩa lịch sử và giá trị khoa học, hôi thảo thu hút đông đảo nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên nhóm ngành mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử tham gia
Các nhà giáo, nhà nghiên cứu kỳ cựu hiến kế để khôi phục và bảo giữ các nghề truyền thống của vùng
Chúc mừng 120 năm thành lập Trường Mỹ thuật Bản xứ Thủ Dầu Một - ngôi trường nghề đầu tiên của cả Đông Dương từ đầu thế kỷ XX cho đến Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương ngày nay
BBT