Trong 30 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng có liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT), biến đổi khí hậu (BĐKH), kinh tế xanh, tăng trưởng xanh (TTX) và kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu quan điểm: “BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân”.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991-2000 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII, Đảng ta đã chủ trương “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, BVMT”. Quan điểm phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế và BVMT tiếp tục được khẳng định trong các nghị quyết Đại hội Đảng sau đó.
Nhiều khía cạnh liên quan KTTH như kinh tế xanh, TTX, phát triển năng lượng tái tạo, tái chế phế thải đã được đề cập trong các nghị quyết của Đảng. Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khuyến khích áp dụng một số mục tiêu có nội hàm của KTTH như quy định về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ áp dụng các công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng.
Năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu quan điểm: “Khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế”.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 03/6/2013 “Về chủ động ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên và BVMT” đã đề ra những giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp: Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hoá nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng TTX và phát triển bền vững…
Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đề ra phương hướng: Tài nguyên là tài sản quốc gia, nguồn lực quan trọng của đất nước, phải được đánh giá đầy đủ, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững; Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng huỷ hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị.
Dựa trên những dự báo chiến lược, tại Đại hội XII, Đảng đã đề ra các mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể đến năm 2020 Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Chủ trương phát triển KTTH được đề ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đặt ra nhiệm vụ về thúc đẩy KTTH và phát triển bền vững; đề ra các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, trong đó khẳng định: “Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác BVMT và phát triển KTTH”.
Quan điểm KTTH được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định: “Khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII tiếp tục khẳng định định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy BVMT sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”.
Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/chu-truong-cua-dang-ve-phat-trien-kinh-te-xanh-tang-truong-xanh-kinh-te-tuan-hoan.html