Tìm kiếm

Tìm Huỷ


Chat GPT và bước đầu ứng dụng trong nghiên cứu khoa học


Sáng ngày 13 tháng 3 năm 2023, tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ đã tổ chức buổi tọa đàm học thuật mang tên “Chat GPT và bước đầu ứng dụng trong nghiên cứu khoa học”. Buổi tọa đàm do PGS.TS. Hồ Sơn Đài, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ chủ trì cùng với sự tham gia của cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ. Ngoài các thành viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ, tọa đàm còn có sự tham gia của lãnh đạo một số đơn vị và giảng viên quan tâm đến chủ đề này.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Hồ Sơn Đài cho rằng ứng dụng Chat GPT đang gây ra cơn sốt trên toàn thế giới mặc dù mới được ra mắt trong khoảng thời gian gần đây. Hiện nay, Chat GPT đang bắt đầu được ứng dụng trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Mặc dù còn nhiều những tranh luận về việc sử dụng Chat GPT trong nghiên cứu khoa học, tuy nhiên các nhà khoa học cũng không thể phủ nhận vai trò và sự hữu ích của Chat GPT khi ứng dụng trong nghiên cứu khoa học. Vì vậy, tọa đàm tạo cơ sở để các nhà khoa học của trường Đại học Thủ Dầu Một bước đầu tìm hiểu về Chat GPT cũng như thảo luận cách thức ứng dụng Chat GPT trong nghiên cứu khoa học.

Sau phần phát biểu khai mạc tọa đàm của Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ, PGS.TS. Võ Văn Ớn, Giám đốc Trung tâm Dự báo trực thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ đã giới thiệu về ứng dụng Chat GPT. Theo đó, Chat GPT là viết tắt của Chat Generative Pre-trained Transformer, đây là một mô hình máy học dựa trên mạng neural, được huấn luyện trước để sinh ra các đoạn văn bản tự động. Nó được xây dựng bởi OpenAI và là một trong những mô hình NLP (Natural Language Processing - Xử lý ngôn ngữ tự nhiên) phổ biến nhất hiện nay. Chat GPT có thể được sử dụng để tạo ra các phản hồi tự động trong các ứng dụng chatbot, hỗ trợ khách hàng, hỏi đáp và nhiều ứng dụng khác trong lĩnh vực NLP.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng Chat GPT có thể được ứng dụng trong một số trường hợp cụ thể như: Giải các phương trình, bài toán cụ thể ; Tìm nội dung các định luật, các biểu thức định luật; Viết code để giải một bài toán cụ thể; Đề xuất các chủ đề nghiên cứu về một lĩnh vực nào đó; Tạo cấu trúc và nội dung chính cho một bài báo khoa học; Tìm các bài báo cho một chủ đề; Xử lý số liệu nghiên cứu; Tóm tắt tài liệu khoa học v.v…

Sau phần trình bày của PGS.TS. Võ Văn Ớn, các thành viên tham gia buổi tọa đàm đã thảo luận về cách thức đăng ký tài khoản, cách sử dụng ứng dụng cũng như đặt các câu hỏi về tính chính xác của Chat GPT khi trả lời các câu hỏi trong các lĩnh vực khác nhau, cách Chat GPT “tự học” qua mỗi câu hỏi và tác động của ứng dụng này đến xã hội hiện nay như thế nào?

Kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS. Hồ Sơn Đài đã đúc kết lại toàn bộ nội dung của buổi tọa đàm và hi vọng buổi tọa đàm sẽ mở ra một chủ đề mới và thú vị cho các nhà lãnh đạo, khoa học, giảng viên của trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục thảo luận trong tương lai.

Trong thời gian sắp tới, Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm học thuật với các chủ đề mới mẻ và hấp dẫn hiện nay.

    

PGS.TS. Hồ Sơn Đài phát biểu khai mạc tọa đàm

PGS.TS. Võ Văn Ớn trình bày nội dung về ứng dụng Chat GPT

Buổi tọa đàm với sự tham gia của cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ

và lãnh đạo một số đơn vị, cán bộ, giảng viên của trường Đại học thủ Dầu Một

GS.TS. Bùi Thế Cường đặt câu hỏi về cách thức hoạt động của Chat GPT

Th.S Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Xuất bản Trường Đại học Thủ Dầu Một

thảo luận về cách Chat GPT “tự học"

ThS. Vương Lợi đặt câu hỏi về tác động của Chat GPT đến xã hội

Tin và ảnh: Quang Huy