Sáng ngày 9 tháng 5 năm 2023, tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ đã tổ chức buổi tọa đàm học thuật mang tên “Tìm hiểu Liên ngành”. Buổi tọa đàm do GS.TS. Bùi Thế Cường, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ trình bày đã thu hút sự tham gia của khoảng hơn 20 cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ và các giảng viên đến từ nhiều chương trình khác nhau của trường Đại học Thủ Dầu Một
Mở đầu buổi tọa đàm, GS.TS. Bùi Thế Cường phân biệt sự khác nhau giữa nghiên cứu đa ngành và nghiên cứu liên ngành. Cụ thể, nghiên cứu đa ngành bao gồm các đặc trưng sau: (1) Nghiên cứu một chủ đề không chỉ trong một bộ môn mà nhiều bộ môn cùng lúc; (2) Tiếp cận một vấn đề từ nhận thức của một số bộ môn khoa học, nhưng mỗi bộ môn làm việc theo cách khuôn vào bên trong bản thân, rất ít bổ sung chéo cho nhau giữa các bộ môn, hoặc hợp lực trong đầu ra; (3) Chủ đề đặt ra được làm giàu bằng cách gộp quan điểm của nhiều bộ môn; (4) Mang đến một dấu + vào bộ môn chính đến từ bên ngoài bộ môn chính; (5) Đa ngành tràn qua các ranh giới bộ môn nhưng mục tiêu vẫn giới hạn trong khung nghiên cứu ngành. Trong khi đó, nghiên cứu liên ngành mang các đặc điểm sau: (1) Một hình thái cùng làm việc mang tính hợp tác và định hướng hội nhập giữa các nhà nghiên cứu từ những bộ môn khoa học khác nhau; (2) Quan tâm chuyển giao phương pháp của bộ môn này sang bộ môn khác; (3) Tràn qua các bộ môn nhưng mục tiêu của nó vẫn nằm trong khung nghiên cứu ngành; (4) Tiềm năng tạo ngành mới.
Trên thực tế, nghiên cứu đa/liên ngành đã được áp dụng trong phạm vi của nhiều chuyên ngành khác nhau như: Xã hội học, Nhân học, Dân số học, Nghiên cứu phát triển, Chính sách xã hội, Chính sách công, Khoa học luận, Lịch sử, Kinh tế học chính trị, Chính trị quốc tế, Hàn quốc học v.v… Các mô hình hay kỹ thuật sử dụng trong liên ngành gồm có: Mô hình đồng tham gia; Kịch bản tương lai, Ma trận cho nhận, Hộp đối thoại và Khái niệm du hành.
Bên cạnh đó, GS.TS. Bùi Thế Cường cho rằng liên ngành là một khái niệm đã dần trở nên quen thuộc trong các nghiên cứu tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay liên ngành mới chỉ được áp dụng trong từng ngành cụ thể như: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên v.v… mà chưa có sự liên ngành chéo giữa các ngành với nhau. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên là do những trở ngại về văn hóa và thể chế. Vì vậy, muốn liên ngành được áp dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam, cần tiếng nói chung giữa các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà quản lý khoa học.
GS.TS. Bùi Thế Cường trình bày tại buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của CBGV
Tin, ảnh: Quang Huy